Chương Trình Tài Trợ Nhỏ - Giai đoạn 2 do Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) tài trợ cho các nước ASEAN thông qua Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học ASEAN (ACB). Tại Việt Nam, 4 Vườn di sản ASEAN (AHP) được lựa chọn tham gia chương trình gồm: (i) Vườn Hoàng Liên – Tỉnh Lào Cai; (ii) Vườn Chư Mom Ray – Tỉnh Kon Tum; (ii) Vườn Kon Ka Kinh - Tỉnh Gia Lai; (iii) Vườn Ba Bể – Tỉnh Bắc Kạn.
Mục tiêu chung của chương trình nhằm “Bảo vệ đa dạng sinh học và Quản lý bền vững các hệ sinh thái tự nhiên trong khu vực ASEAN góp phần cải thiện sinh kế của người dân địa phương”. Theo đó, mục tiêu cụ thể tại Việt Nam bao gồm (i) Tăng cường bảo vệ đa dạng sinh học tại một số vườn AHP được chọn và vùng đệm ở Việt Nam; (ii) Cải thiện sinh kế của các cộng đồng dân cư sống phụ thuộc trực tiếp vào vườn AHP hoặc vùng rừng đệm lân cận ở Việt Nam; (iii) Nâng cao năng lực và phối hợp bảo tồn đa dạng sinh học tại hệ thống vườn AHP ở Việt Nam, bao gồm hệ thống giám sát và đánh giá.
Tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên, Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học ASEAN (ACB) đã giao cho Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao kỹ thuật lâm sinh thuộc Viện Nghiên cứu lâm sinh thực hiện dự án: “Thương mại hóa sản phẩm măng ngọt ở vùng đệm Vườn Quốc gia Hoàng Liên”, do KS. Diệp Xuân Tuấn – chủ trì dự án, thời gian thực hiện dự án 14 tháng (từ tháng 7/2023 đến tháng 9/2024). Mục tiêu của dự án: Tăng thu nhập cho cộng đồng thông qua hỗ trợ tổ hợp tác phát triển lâm sản hữu cơ gắn với quản lý rừng bền vững vùng đệm. Các nội dung chính của dự án: (i) Thực trạng về cây tre măng ngọt; (ii) Năng lực của tổ hợp tác và cộng đồng trong phát triển cây măng ngọ; nhận thức của cộng đồng về quản lý rừng bền vững được cải thiện và nâng cao; xây dựng mô hình trồng cây măng ngọt với diện tích 01 ha; (iii) 250kg măng ngọt được sản xuất bởi Tổ hợp tác; (iv) Chuỗi giá trị măng ngọt được phát triển và nâng cao; (v) Thu nhập của người dân vùng đệm từ việc bán măng ngọt kết hợp bảo vệ tài nguyên rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển du lịch được nâng cao.
Để thống nhất về cách thức và phương án phối hợp triển khai dự án, ngày 11/08/2023 Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật lâm sinh đã có buổi làm vệc với Vườn Quốc gia Hoàng Liên. Tham gia cuộc họp, Đại diện Trung tâm có ThS. Bùi Kiều Hưng – Giám đốc, KS. Diệp Xuân Tuấn – Chủ trì dự án; đại diện Vườn Quốc gia Hoàng Liên có ThS. Nguyễn Hữu Hạnh – Giám đốc; ThS Nguyễn Thanh Tâm – Phòng Kế hoạch tài chính. Ngoài ra có sự tham dự của PGS.TS Phí Hồng Hải – Phó giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam.
Tại cuộc họp, đại diện nhóm nghiên cứu - KS. Diệp Xuân Tuấn đã trình bày nội dung, kế hoạch triển khai thực hiện dự án. Đại diện Ban lãnh đạo Vườn Quốc gia Hoàng liên đã đánh giá các nội dung thực hiện của dự án rất phù hợp với mong muốn, chủ trương của Vườn và thực trạng của các xã vùng đệm, đây là cơ sở nâng cao sinh kế, góp phần quản lý rừng bền vững, bảo vệ đa dạng sinh học vùng đệm của Vườn; cam kết cử cán bộ tham gia phối hợp thực hiện để các nội dung của dự án được thực hiện đảm bảo đầy đủ, chất lượng và hiệu quả. Đại diện Ban lãnh đạo Viện Khoa học lâm nghiệp, PGS. Phí Hồng Hải giao trách nhiệm cho Trung tâm tổ chức triển khai thực hiện dự án đảm bảo đầy đủ khối lượng công việc, chất lượng công việc tốt và đúng tiến độ.
Ngoài nội dung liên quan đến dự án, PGS. Phí Hồng Hải – Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam và ThS. Nguyễn Hữu Hạnh – Giám đốc Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã trao đổi, thảo luận nhiều vấn đề 2 bên sẽ hợp tác nghiên cứu trong thời gian tới.