Tếch là một trong những loài cây trồng lấy gỗ có diện tích lớn trên thế giới. Gỗ Tếch có giá trị cao và được sử dụng nhiều mục đích khác nhau. Diện tích rừng Tếch tự nhiên suy giảm mạnh dẫn đến suy thoái nguồn gen. Rừng Tếch được trồng rộng rãi trên thế giới, nhưng năng suất và chất lượng không đồng đều. Nhận thấy vấn đề đó, 5 nước tiểu vùng sông Mê Kông là Cam Pu Chia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam đã đề xuất và được ITTO tài trợ thực hiện Dự án "Tăng cường bảo tồn và quản lý bền vững rừng Tếch và chuỗi cung ứng gỗ Tếch bền vững và hợp pháp ở tiểu vùng sông Mê Kông".
Từ ngày 23 - 25 tháng 4 năm 2019, tại Thái Lan, Dự án đã tổ chức Hội thảo khởi động để triển khai thực hiện Dự án, bao gồm một ngày Hội thảo tại Bankok và 2 ngày đi thăm hiện trường nghiên cứu và trồng rừng Tếch tại Chiềng Mai và Lampang, Thái Lan. Tới dự Hội thảo có đại diện của nhà tài trợ là Bộ Nông nghiệp và Lương thực CHLB Đức (BMEL), Đại sứ quán Đức tại Thái Lan, ITTO, Tổng cục Lâm nghiệp Hoàng gia Thái Lan, trường Đại học Kasetsart, thành viên ban điều hành và điều phối viên của 5 quốc gia tham gia Dự án là Cam Pu Chia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Dự án sẽ được triển khai từ 2019 - 2021, do trường Đại học Kasetsart là đơn vị chủ trì Dự án, và các cơ quan quản lý lâm nghiệp và các viện nghiên cứu ở các quốc gia tham gia là các đơn vị thực hiện.
Tại Việt Nam, Viện Nghiên cứu Lâm sinh được giao là đơn vị thực hiện Dự án. Các hoạt động sẽ triển khai chính ở Việt Nam bao gồm tuyển chọn nguồn giống Tếch, nghiên cứu và tập huấn chuyển giao kỹ thuật nhân giống, trồng rừng và nông lâm kết hợp cho một số khu vực thích hợp trồng Tếch. Việt Nam là nước sản xuất đồ gỗ xuất khẩu lớn, do đó Dự án cũng nghiên cứu chuỗi giá trị gia tăng của gỗ Tếch tại Việt Nam.
Dưới đây là một số hình ảnh tại Hội thảo và đi thăm hiện trường: