LỊCH SỬ HÌNH THÀNH

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

CỦA VIỆN NGHIÊN CỨU LÂM SINH

(29/9/1961 - 31/8/2023)

I. BỐI CÀNH HÌNH THÀNH

Trước những yêu cầu và nhiệm vụ KHCN đặt ra ngày càng cao và quan trọng cho các ngành kinh tế kỹ thuật nói chung và ngành Lâm nghiệp nói riêng, đòi hỏi phải có sự quan tâm đầu tư hơn nữa cho việc phát triển khoa học công nghệ. Vì vậy, ngày 09/9/2005 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 930/2005/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án sắp xếp hệ thống tổ chức khoa học thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong đó, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam là một trong những đơn vị được xây dựng đề án rà soát lại chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức để nâng cấp lên hạng đặc biệt. Việc tổ chức lại Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam nhằm tập trung sức mạnh, đảm bảo tính chuyên nghiệp, đồng bộ, nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học và công nghệ. Đồng thời phát huy tính tích cực, chủ động trong các hoạt động của các đơn vị thành viên, phù hợp với cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định 115/NĐ-CP của Chính phủ. Việc sắp xếp lại hệ thống tổ chức của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam được thực hiện dựa trên các cơ sở pháp lý như sau:

- Quyết định số 2099/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định vị trí, chức năng của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam.

- Quyết định số 1149/QĐ-BNN-TCCB ngày 15 tháng 5 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam.

- Quyết định số 3126/QĐ-BNN-TCCB ngày 13 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc thành lập Viện Nghiên cứu Lâm sinh trực thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam trên cơ sở tổ chức lại Phòng Nghiên cứu Kỹ thuật Lâm sinh, Trung tâm Ứng dụng Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp và bộ phận Phân loại thực vật của Phòng Nghiên cứu Tài nguyên Thực vật rừng.

II. KHÁI QUÁT LỊCH SỬ CÁC ĐƠN VỊ TIỀN THÂN          

Viện Nghiên cứu Lâm sinh hiện nay được hình thành trên cơ sở sáp nhập 3 đơn vị (tiền thân) trực thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, gồm: Phòng Nghiên cứu Kỹ thuật Lâm sinh, Trung tâm Ứng dụng Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp và một phần của Phòng Tài nguyên Thực vật rừng, cụ thể như sau:

1.  Phòng Nghiên cứu Kỹ thuật Lâm sinh

Phòng Nghiên cứu Kỹ thuật Lâm sinh là một phòng chuyên môn trực thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam trước khi được nâng cấp thành Viện hạng đặc biệt (trước tháng 01/2013). Tiền thân của Phòng Nghiên cứu Kỹ thuật Lâm sinh trước khi sáp nhập có thể bắt đầu từ việc hình thành Phòng Nghiên cứu Kỹ thuật Lâm nghiệp, thuộc Viện Khảo cứu Nông Lâm theo Nghị định số 4-NL/NĐ/QT, ngày 23/02/1955 của Bộ Nông Lâm. Năm 1958, Viện Khảo cứu Nông Lâm được hợp nhất với Trường Đại học Nông Lâm thành Học viện Nông Lâm, đến ngày 29/9/1961 Viện Nghiên cứu Lâm nghiệp được thành lập từ một bộ phận của Học viện. Tuy vậy, chúng tôi thống nhất chọn ngày có Quyết định thành lập Viện Nghiên cứu Lâm nghiệp là ngày thành lập đơn vị tiền thân đầu tiên của Viện Nghiên cứu Lâm sinh hiện nay, tức là ngày 29 tháng 9 năm 1961. Cùng với sự thăng trầm thay đổi nhiều lần của Viện Nghiên cứu Lâm nghiệp khởi đầu và Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam hiện nay, quá trình hình thành và phát triển của Viện Nghiên cứu Lâm sinh và các đơn vị tiền thân cũng thăng trầm qua các giai đoạn sau đây:

1.1. Giai đoạn 1961-1965

Ngày 29/9/1961 Viện Nghiên cứu Lâm nghiệp được thành lập theo Quyết định của Chính phủ do Kỹ sư Trần Ngũ Phương làm Viện trưởng. Cơ cấu tổ chức của Viện khi mới thành lập có một số khoa chuyên môn và phòng chức năng, trong đó có Khoa Lâm học, có thể xem đây là đơn vị tiền thân đầu tiên của Viện Nghiên cứu Lâm sinh ngày nay. Các hoạt động chủ yếu của Khoa Lâm học là điều tra lâm học, điều tra rừng, điều tra đất trồng rừng. Cơ cấu tổ chức của Khoa Lâm học gồm các tổ và đội sau đây:

- Đội Điều tra Lâm học do CN. Vũ Đức Minh làm Đội trưởng và KS. Nguyễn Ngọc Bình làm Đội phó;

- Tổ Kỹ thuật Lâm sinh do KS. Vương Tấn Nhị phụ trách;

- Tổ Trồng rừng do KS. Lâm Công Định làm Tổ trưởng và KS. Nguyễn Văn Dưỡng làm Tổ phó;

- Tổ Thực vật rừng do GS.TS. Thái Văn Trừng phụ trách.

1.2. Giai đoạn 1966-1969

Giai đoạn này do Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc ác liệt nên Viện Nghiên cứu Lâm nghiệp được lệnh đi sơ tán khỏi Hà Nội. Trong giai đoạn này Viện có các khoa và tổ nghiên cứu chuyên đề liên quan đến lĩnh vực lâm sinh như sau:

a) Khoa Lâm học: Chủ nhiệm khoa là KS. Vương Tấn Nhị, dưới khoa có các tổ và phòng nghiên cứu chuyên đề:  

- Tổ Lâm học đại cương, gồm có KS. Nguyễn Ánh Tiếp và KS. Hà Văn Khìn;

- Tổ Lâm học thực nghiệm, gồm có KS. Đặng Văn Đàm và KS. Nguyễn Tử Ưởng;

- Tổ Nghiên cứu đất rừng, gồm có KS. Nguyễn Ngọc Bình, KS. Hoàng Xuân Tý và KS. Đỗ Đình Sâm;

- Tổ Động vật rừng gồm có KS. Trần Ngọc Đang và KS. Bùi Kính;

- Phòng Phân tích đất gồm có bà Phí Thị Kim Chi, bà Nguyễn Thị Huấn và ông Chu Văn Vĩnh.

b) Khoa Trồng rừng: Chủ nhiệm Khoa là KS. Lâm Công Định, dưới khoa có các Tổ chuyên đề:

- Tổ Trồng rừng gồm có KS. Phạm Văn Tích, KS. Đoàn Bổng, KS. Hoàng Sơn và KS. Nguyễn Thị Chương;

- Tổ Giống cây rừng gồm có KS. Hoàng Chương, KS. Lê Cảnh Huyền và KS. Nguyễn Sỹ Đương;

- Tổ Sâu bệnh hại rừng gồm có KS. Nguyễn Sỹ Giao, KS. Lê Nam Hùng, KS. Nguyễn Văn Đoài và KS. Đoàn Chương.

Cuối năm 1969 Tổ Động vật rừng sáp nhập với Tổ Sâu bệnh hại rừng thành Tổ Bảo vệ Thực vật rừng. 

c) Khoa Điều tra: Chủ nhiệm Khoa là KS. Nguyễn Văn Trương, cơ cấu tổ chức của khoa gồm các tổ:

- Tổ Lập biểu gồm có KS. Vũ Đình Phương, KS. Nguyễn Ngọc Lung và KS. Nguyễn Hồng Quân;

- Tổ Điều tra rừng có KS. Nguyễn Bá Chất.

d) Khoa Thực vật rừng: GS.TS. Thái Văn Trừng là Phó Viện trưởng kiêm Chủ nhiệm Khoa, cơ cấu tổ chức của khoa gồm các tổ:

- Tổ Phân loại gồm có KS. Trịnh Đình Thanh và KS. Nguyễn Hữu Hiến;  

- Tổ Tiêu bản gồm có ông/bà Phạm Nguyên Lạn, bà Nguyễn Thị Vóc và KS. Lê Viết Lộc.

1.3. Giai đoạn 1970-1971

Giai đoạn này Viện Nghiên cứu Lâm nghiệp đổi tên thành Viện Lâm nghiệp và chỉ nghiên cứu lĩnh vực lâm sinh là chính, cơ cấu tổ chức có 05 phòng và 01 ban nghiệp vụ, 03 khoa nghiên cứu, 04 trạm thực nghiệm và 03 điểm nghiên cứu. Các khoa nghiên cứu trực thuộc Viện Lâm nghiệp lúc đó là đơn vị tiền thân của Phòng Nghiên cứu Kỹ thuật Lâm sinh, gồm:

- Khoa Điều tra rừng do KS. Vũ Đình Phương phụ trách;

- Khoa Lâm học do KS. Vương Tấn Nhị phụ trách;

- Khoa Trồng rừng do KS. Nguyễn Văn Đoài và KS. Từ Như Ảnh phụ trách.

1.4. Giai đoạn 1972-1981

Giai đoạn này, các hoạt động nghiên cứu lâm nghiệp được tách riêng thành 3 lĩnh vực chủ yếu là: Lâm sinh, Công nghiệp rừng và Kinh tế lâm nghiệp. Đảm nhận chức năng nghiên cứu các lĩnh vực này là 3 viện: Viện Lâm nghiệp, Viện Công nghiệp rừng (1974), Viện Kinh tế Lâm nghiệp (1981). Các đơn vị trực thuộc Viện Lâm nghiệp lúc đó là đơn vị tiền thân của Phòng Nghiên cứu Kỹ thuật Lâm sinh, bao gồm:

- Bộ môn Tăng trưởng rừng do KS. Vũ Đình Phương phụ trách;

- Bộ môn Điều tra rừng do KS. Nguyễn Văn Trương phụ trách;

- Bộ môn Trồng rừng do KS. Nguyễn Xuân Quát phụ trách;

- Bộ môn Khí tượng thủy văn rừng do KS. Bùi Ngạnh phụ trách;

- Bộ môn Lâm học do KS. Vương Tấn Nhị phụ trách;

- Tổ chuyên đề Bồ đề do GS.TS. Thái Văn Trừng phụ trách;

Phân viện Nghiên cứu Lâm nghiệp Cúc Phương có 6 bộ môn sau đây:

+ Bộ môn Phân loại thực vật do KS. Trịnh Đình Thanh phụ trách;

+ Bộ môn Địa Thực vật do CN. Đặng Thịnh Miên phụ trách;

+ Bộ môn Điều tra rừng do KS. Hoàng Đình Bá phụ trách;

+ Bộ môn Đất rừng do KS. Nguyễn Xuân Quát kiêm phụ trách;

+ Bộ môn Sinh lý thực vật do KS Ngô Ngọc Tám phụ trách;

+ Bộ môn Khí hậu thủy văn rừng do KS. Bùi Ngạnh kiêm phụ trách.

1.5. Giai đoạn 1982-1988

Giai đoạn này cơ cấu tổ chức của Viện Lâm nghiệp gồm có 06 phòng nghiệp vụ, 10 phòng nghiên cứu, 05 trại thực nghiệm, 01 trạm nghiên cứu thực nghiệm, 01 trung tâm ứng dụng và 02 phân viện. Trong 10 phòng nghiên cứu trực thuộc Viện Lâm nghiệp có 04 phòng nghiên cứu là các đơn vị tiền thân của Phòng Nghiên cứu Kỹ thuật Lâm sinh, gồm:

- Phòng Nghiên cứu Khí tượng Thủy văn rừng, KS. Bùi Ngạnh là Trưởng phòng;

- Phòng Nghiên cứu Trồng rừng, GS.PTS. Nguyễn Xuân Quát là Trưởng phòng và KS. Đoàn Bổng là Phó Trưởng phòng;

- Phòng Nghiên cứu Rừng tự nhiên, PGS. Vũ Đình Phương là Trưởng phòng và PGS.PTS. Nguyễn Ngọc Lung là Phó Trưởng phòng;

- Phòng Nghiên cứu Nông Lâm kết hợp, KS. Nguyễn Ngọc Bình là Trưởng phòng.

1.6. Giai đoạn 1989-2012

Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam được thành lập theo Nghị định số 137/HĐBT, ngày 30 tháng 8 năm 1988 của Hội đồng Bộ Trưởng (nay là Chính phủ) trên cơ sở hợp nhất 3 Viện: Viện Lâm nghiệp, Viện Công nghiệp rừng và Viện Kinh tế Lâm nghiệp. Cơ cấu tổ chức của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam lúc đó có 07 phòng chức năng, 09 phòng Nghiên cứu, 03 trung tâm chuyên đề, 02 trung tâm ứng dụng, 08 trung tâm vùng, và 01 xí nghiệp Chế biến hạt Điều.

Trong đó, Phòng Nghiên cứu Kỹ thuật Lâm sinh là 1 trong 3 đơn vị tiền thân của Viện Nghiên cứu Lâm sinh hiện nay, được thành lập trên cơ sở hợp nhất các Phòng Nghiên cứu Trồng rừng, Phòng Nghiên cứu Rừng tự nhiên và Phòng Nghiên cứu Nông Lâm kết hợp. Lúc đầu do PGS. Vũ Đình Phương và GS.TS. Nguyễn Xuân Quát Phụ Trách, sau đó GS.TSKH. Nguyễn Ngọc Lung và GS.TS. Nguyễn Xuân Quát phụ trách. Tiếp theo GS.TS. Nguyễn Xuân Quát là Trưởng phòng, TS. Trần Quang Việt và TS. Đào Công Khanh là Phó Trưởng phòng. Sau khi GS.TS. Nguyễn Xuân Quát nghỉ hưu (1997) thì TS. Trần Quang Việt là Trưởng phòng đến khi nghỉ hưu (tháng 7/2003), TS. Đào Công Khanh là Phó Trưởng phòng và chuyển công tác lên BQL các Dự án Lâm nghiệp (năm 2000), TS. Nguyễn Huy Sơn là Phó Trưởng phòng từ 2/2001-2/2006 thì chuyển công tác. Từ tháng 8/2003 đến 12/2012, TS. Trần Văn Con giữ chức vụ Trưởng phòng thay TS. Trần Quang Việt, giai đoạn này có 03 Phó Trưởng phòng, gồm: TS. Đặng Văn Thuyết (9/2001-11/2006), ThS. Trần Lâm Đồng (11/2007-12/2012), TS. Phan Minh Sáng (10/2011-12/2012).

2. Trung tâm Ứng dụng Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp

Tiền thân đầu tiên của Trung tâm Ứng dụng Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp (UDKHKTLN) là Xưởng Chế tạo Công cụ mẫu (Trực thuộc Viện Lâm nghiệp), được thành lập theo Quyết định số 1011/TCCB ngày 26 tháng 9 năm 1983 của Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp. Ngày 17/01/1986, Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp ra Quyết định đổi tên Xưởng Chế tạo Công cụ mẫu thành Trung tâm Dịch vụ Khoa học Kỹ thuật lâm nghiệp, trực thuộc Viện Lâm nghiệp và ngày 15/5/1990 được đổi tên thành Trung tâm Ứng dụng Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp, trực thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam theo Quyết định số 73/TCCB của Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp. Ban Lãnh đạo từ khi thành lập Trung tâm đến khi sáp nhập thành lập Viện Nghiên cứu Lâm sinh (12/2012) qua các giai đoạn phát triển như sau:

- Giai đoạn từ tháng 01/1986 đến tháng 11/1989, KS. Phạm Khôi Khoa là Giám đốc và KS Lê Văn Duyệt là Phó Giám đốc;

- Giai đoạn từ tháng 12/1989 đến tháng 6/2003, KS. Trần Ngọc Đang là Quyền Giám đốc và Giám đốc, KS. Lê Văn Duyệt và KS. Phạm Đình Tam là Phó Giám đốc;

- Giai đoạn từ tháng 7/2003 đến tháng 12/2007, KS. Phạm Đình Tam làm Giám đốc, ThS. Lại Thanh Hải là Phó Giám đốc từ tháng 3/2007- tháng 12/2007 và ThS. Đặng Quang Hưng được bổ nhiệm Phó Giám đốc từ tháng 11/2007.

- Giai đoạn từ tháng 1/2008- tháng 12/2012, ThS. Lại Thanh Hải là Phó Giám đốc phụ trách và Giám đốc, ThS. Đặng Quang Hưng là Phó Giám đốc đến tháng 3/2011 thì chuyển về là Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Đông Bắc Bộ.

3. Phòng Nghiên cứu Tài nguyên Thực vật rừng

Tháng 8/1988 Phòng Nghiên cứu Tài nguyên Thực vật rừng được thành lập, trực thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam. Giai đoạn đầu do TS. Nguyễn Đình Hưng là Trưởng phòng đến khi nghỉ hưu; tiếp theo KS. Nguyễn Tử Ưởng là Trưởng phòng đến khi nghỉ hưu, ThS. Đỗ Văn Bản là Phó Trưởng phòng (02/2001-12/2002). Tiếp theo, ThS. Đỗ Văn Bản là Phó Trưởng phòng phụ trách (01/2003-10/2009), ThS. Lê Thu Hiền là Phó Trưởng phòng (3/2006-7/2010) và sau đó chuyển công tác. Từ tháng 11/2009 đến tháng 12/2012, ThS. Đỗ Văn Bản là Trưởng phòng, TS. Nguyễn Tử Kim là Phó Trưởng phòng (10/2011-12/2012).

Khi Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam tổ chức lại và nâng cấp thành Viện hạng đặc biệt, có ba cán bộ có chuyên môn về phân loại thực vật rừng của Phòng được điều chuyển về Viện Nghiên cứu Lâm sinh để thành lập Bộ môn Tài nguyên Thực vật rừng.

III. VIỆN NGHIÊN CỨU LÂM SINH   

1. Lãnh đạo Viện  

Theo cơ cấu tổ chức của Viện Nghiên cứu Lâm sinh được quy định tại Quyết định số 3126/QĐ-BNN-TCCB Ngày 13 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo viện có Viện trưởng và 03 Phó Viện trưởng. Cho đến nay ban lãnh đạo Viện Nghiên cứu Lâm sinh đã được bổ nhiệm, gồm:

- PGS.TS. Trần Văn Con, Quyền Viện trưởng từ ngày 01/01/2013 đến hết ngày 31/5/2014 thì nghỉ quản lý theo quy định về tuổi;

- PGS.TS. Nguyễn Huy Sơn là Viện trưởng từ 01/6/2014 đến 31/12/2016 thì nghỉ quản lý chuyển về Trung tâm Lâm sản ngoài gỗ;

- TS. Trần Lâm Đồng Viện trưởng từ 01/01/2017 đến 31/7/2023 thì chuyển lên Viện KHLN VN giữ chức vụ Phó Giám đốc;

- PGS. TS. Hoàng Văn Thắng nhận Quyết định bổ nhiệm Viện trưởng từ ngày 01/8/2023 đến nay.

- Các Phó viện trưởng:

+ TS. Phan Minh Sáng (từ 01/4/2013 đến 01/3/2017 thì chuyển công tác);

+ TS. Lại Thanh Hải (từ 01/4/2013 đến nay);

+ TS. Trần Lâm Đồng (từ 01/02/2015 đến 31/12/2016);

+ TS. Nguyễn Toàn Thắng (Từ 3/2017 đến nay)

Ghi chúTS. Phan Minh Sáng đi thực tập sinh 3 năm tại Australia kể từ tháng 3/2014 đến tháng 12/2016.

2. Cơ cấu tổ chức các đơn vị trực thuộc

Cơ cấu tổ chức của Viện Nghiên cứu Lâm sinh gồm 01 Văn phòng, 04 Bộ môn và 01 Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao kỹ thuật lâm sinh, cơ cấu tổ chức của các bộ phận trực thuộc cụ thể như sau:

2.1. Văn phòng Viện

Văn phòng Viện Nghiên cứu Lâm sinh được đổi tên từ phòng Tổng hợp vào ngày 31/7/2019. Phòng Tổng hợp được thành lập vào ngày 05/5/2019 trên cơ sở sát nhập 2 phòng chức năng (Phòng Tổ chức, Hành chính và Phòng Kế hoạch, Tài chính ). Hiện tại Văn phòng gồm 10 cán bộ, trong đó có 01 Chánh văn phòng, 01 Phó Chánh văn phòng và 08 chuyên viên. ThS. Trần Đức Mạnh là Chánh văn phòng và TS. Cao Chí Khiêm là Phó Chánh văn phòng từ khi thành lập cho đến nay. CN. Đỗ Văn Thọ là Kế toán trưởng của Viện từ khi thành lập (01/01/2013) đến ngày 30/6/2014 thì được điều chuyển về làm Kế toán trưởng và Trưởng phòng tổng hợp của Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao kỹ thuật lâm sinh. CN. Trần Thị Minh Nguyệt được chuyển từ Ban Tài chính, Kế toán của Viện KHLN Việt Nam về làm Kế toán trưởng từ ngày 01/7/2014 cho đến ngày 31/12/2022. Từ ngày 01/01/2023, ThS. Bùi Thị Thanh Nga được chuyển từ Ban Tài chính, Kế toán của Viện KHLN Việt Nam về làm Kế toán trưởng cho đến nay.

2.2. Các bộ môn chuyên môn

- Bộ môn Lâm học và Tài nguyên rừng: Ban đầu có tên là Bộ môn Lâm học, với tổng số 12 cán bộ do PGS.TS. Trần Văn Con - Quyền Viện trưởng kiêm phụ trách từ khi thành lập đến ngày 31/7/2014; ThS. Trần Đức Mạnh là Trưởng Bộ môn từ ngày 01/8/2014 đến 31/01/2015; ThS. Phạm Quang Tuyến được giao phụ trách Bộ môn từ ngày 01/02/2015, và chính thức có Quyết định là Phó Trưởng Bộ môn phụ trách Bộ môn từ 01/6/2015 đến tháng 11/2016; sau đó TS. Triệu Thái Hưng được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó trưởng Bộ môn phụ trách Bộ môn từ tháng 12/2016 và bổ nhiệm giữ chức vụ Trưởng bộ môn từ ngày 01/1/2018. Ngày 30/7/2019, Bộ môn Lâm học và Tài nguyên rừng được thành lập trên cơ sở sát nhập 2 Bộ môn (Bộ môn Lâm học và Bộ môn Tài nguyên thực vật rừng) do TS. Triệu Thái Hưng làm Trưởng Bộ môn, và 02 Phó trưởng Bộ môn là TS. Phạm Quang Tuyến và ThS. Hoàng Thanh Sơn.

Bộ môn Kỹ thuật Lâm sinh: Tổng số có 09 cán bộ, do TS. Đặng Thịnh Triều làm Trưởng Bộ môn từ khi thành lập đến nay; TS. Phan Minh Quang được bổ nhiệm làm Phó trưởng Bộ môn từ tháng 5/2023.

Bộ môn Điều tra và Quản lý rừng bền vững: Ban đầu có tên là Bộ môn Điều tra và Quy hoạch rừng do TS. Lưu Cảnh Trung phụ trách từ ngày thành lập đến tháng 7/2019, sau đó được đổi thành tên gọi hiện tại từ ngày 30/7/2019. Tổng số có 11 cán bộ, do TS. Nguyễn Văn Thịnh làm Phó Trưởng Bộ môn phụ trách Bộ môn từ ngày 01/9/2019 đến nay; ThS. Phạm Tiến Dũng được bổ nhiệm làm Phó trưởng Bộ môn từ tháng 5/2023.

Bộ môn Nông lâm kết hợp: Tổng số có 09 cán bộ, do TS. Hoàng Văn Thắng làm Trưởng Bộ môn từ khi thành lập đến ngày tháng 9/2014 thì chuyển công tác lên Ban Kế hoạch Khoa học của Viện KHLN Việt Nam. Tiếp theo, TS. Trần Lâm Đồng được bổ nhiệm làm Trưởng Bộ môn từ ngày 01/10/2014 đến 31/01/2015. Sau đó, TS. Phạm Đình Sâm được giao phụ trách Bộ môn từ 01/02/2015 và chính thức có Quyết định là Trưởng Bộ môn từ 01/01/2018 đến nay; ThS. Hoảng Thị Nhung được bổ nhiệm làm Phó trưởng Bộ môn từ tháng 5/2023.

2.3. Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao kỹ thuật lâm sinh

Tổng số có 16 cán bộ, KS. Đinh Văn Ba là Giám đốc từ ngày 01/4/2013 đến ngày 31/7/2014 thì chuyển về làm Trưởng phòng Tổ chức, Hành chính. ThS. Lại Thanh Hải, Phó Viện trưởng được giao kiêm Giám đốc Trung tâm từ 01/8/2014 đến 31/01/2015. Tiếp theo, ThS. Trần Đức Mạnh là Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm từ ngày 01/02/2015 đến tháng 10/2015 và chính thức được bổ nhiệm Giám đốc từ ngày 01/11/2015 đến 31/8/2017, ThS. Bùi Kiều Hưng được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Trung tâm từ 01/8/2015 đến 01/9/2017 được bổ nhiệm làm giám đốc Trung tâm, ThS. Vũ Văn Thuận được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Trung tâm từ tháng 9/2018 đến nay. Các đơn vị trực thuộc Trung tâm bao gồm:

- Phòng Tổng hợp: KS. Lê Thị Bích Thảo là Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng từ khi thành lập (01/5/2013) đến 31/8/2014. CN. Đỗ Văn Thọ là Trưởng phòng từ ngày 01/9/2014 đến nay và là Kế toán trưởng của Trung tâm từ ngày thành lập (01/01/2013) đến nay;

- Phòng Nghiên cứu và Ứng dụng kỹ thuật lâm sinh do ThS. Bùi Kiều Hưng làm Trưởng phòng từ khi thành lập (01/5/2013) đến 31/7/2015; ThS Trần Đức Mạnh là Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm (và là Giám đốc từ tháng 11/2015) kiêm Trưởng phòng từ 01/8/2015. Ngày 01/9/2019, ThS Lê Văn Quang được bổ nhiệm làm trưởng phòng cho đến nay;

- Phòng Chuyển giao Công nghệ do KS. Trần Ngọc Tuệ làm Trưởng phòng từ khi thành lập (01/5/2013) đến 31/8/2019. ThS. Phan thị Luyến được bổ nhiệm làm trưởng phòng (từ ngày 01/9/2019)cho đến nay;

- Trạm Thực nghiệm lâm nghiệp Tân Lạc (Hòa Bình) tạm giao ThS. Phạm Đôn quản lý điều hành từ 01/10/2013 đến 31/7/2015; ThS. Bùi Kiều Hưng là Phó Giám đốc Trung tâm kiêm Trạm trưởng từ ngày 01/8/2015 đến 28/02/2018. ThS. Đào Thị Huyền là trạm trưởng từ ngày 01/3/2018 cho đến nay.