Hội thảo Quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng theo Hệ thống PEFC/VFCS cho chủ rừng nhỏ tại Việt Nam

Đơn vị tổ chức: Lãnh đạo viện
Người thực hiện: , Nguyễn Văn Bích
Thời gian: 29/09/2021
Địa điểm: Trực tuyến
Giới thiệu

Việt Nam có khoảng 1,5 triệu hộ gia đình đang quản lý khoảng 2 trệu ha rừng trồng sản xuất, trung bình khoảng 1-2 ha/hộ gia đình. Phần lớn diện tích rừng trồng này là rừng trồng thuần loài tập trung các loài cây nhập nội mọc nhanh như Keo và Bạch đàn, với chu khai thác khoảng 4-7 năm, hàng năm cho khai thác khoảng 20 triệu m3 gỗ phục vụ nguyên liệu dăm gỗ, chế biến ván nhân tạo và đóng đồ nội thất xuất khẩu. Mặc dù đem lại lợi ích nhất định về kinh tế cho chủ rừng cũng như ngành lâm nghiệp, nhưng việc quản lý rừng trồng quy mô hộ gia đình có nhiều bất cập, nhất là đối chiếu với các quy định về quản lý rừng bền vững.

Nội dung

Việt Nam có khoảng 1,5 triệu hộ gia đình đang quản lý khoảng 2 trệu ha rừng trồng sản xuất, trung bình khoảng 1-2 ha/hộ gia đình. Phần lớn diện tích rừng trồng này là rừng trồng thuần loài tập trung các loài cây nhập nội mọc nhanh như Keo và Bạch đàn, với chu khai thác khoảng 4-7 năm, hàng năm cho sản lượng khai thác toàn quốc khoảng 20 triệu m3 gỗ phục vụ nguyên liệu dăm gỗ, chế biến ván nhân tạo và đóng đồ nội thất xuất khẩu. Mặc dù đem lại lợi ích nhất định về kinh tế cho chủ rừng cũng như ngành lâm nghiệp, nhưng việc quản lý rừng trồng quy mô hộ gia đình có nhiều bất cập, nhất là đối chiếu với các quy định về quản lý rừng bền vững. Trong khi đó, ngành chế biến gỗ Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, đem lại giá trị xuất khẩu các sản phẩm gỗ đạt 12,3 tỷ USD vào năm 2020. Các doanh nghiệp chế biến gỗ đang có nhu cầu vùng nguyên liệu ổn định, có chứng chỉ quản lý rừng bền vững để có thể xuất khẩu vào các thị trường đòi hỏi các sản phẩm có chứng chỉ rừng. Nhận thấy vấn đề đó, năm 2018 Chính phủ đã cho thực hiện Đề án Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng và xây dựng Hệ thống chứng chỉ rừng Quốc gia (gọi tắt là VFCS) để liên kết với tổ chức chứng chỉ rừng quốc tế PEFC để cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Hệ thống VFCS đã được xây dựng hoàn thành vào năm 2019 và được PEFC công nhận vào năm 2020. Để hỗ trợ thực hiện cấp chứng chỉ rừng cho chủ rừng nhỏ theo Hệ thống PEFC/VFCS, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thông qua Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 đã cho triển khai Dự án "Xây dựng mô hình liên kết thực hiện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng tại Yên Bái và Quảng Trị". Sau gần 2 năm thực hiện dự án đã xây dựng được các bộ tài liệu hướng dẫn chủ rừng nhỏ thực hiện QLTBV và cấp chứng chỉ rừng theo Hệ thống PEFC/VFCS, xây dựng được 2 mô hình thí điểm tại Yên Bái và Quảng Trị và đề xuất một số giải pháp thúc đẩy cấp chứng chỉ rừng cho chủ rừng nhỏ ở Việt Nam.

Để chia sẻ các kết quả đó, ngày 29/9/2021 Viện Nghiên cứu Lâm sinh đã phối hợp với Tổ chức chứng chỉ rừng PEFC và VFCS tổ chức Hội thảo trực tuyến với tiêu đề "Quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng theo hệ thống VFCS/PEFC cho chủ rừng nhỏ tại Việt Nam". Hội thảo được tổ chức trực tuyến với sự tham dự của hơn 180 đại biểu đến từ các tổ chức quốc tế như FAO, FFD Phần Lan, GIZ...; Tổng cục Lâm nghiệp, Ban quản lý các dự án lâm nghiệp, Trung tâm khuyến nông quốc gia; Trung ương Hội nông dân; Liên minh hợp tác xã và Chi cục kiểm lâm một số tỉnh; các tổ chức cấp chứng chỉ rừng quốc tế tại Việt Nam như GFA, BV; một số doanh nghiệp nước ngoài thu mua và chế biến gỗ ở Việt Nam; Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam; các hiệp hội và doanh nghiệp chế biến gỗ trong nước và nhiều cơ quan khác. Các đại biểu đã được nghe các bài tham luận từ Tổ chức PEFC, bài giới thiệu kết quả dự án của Viện Nghiên cứu Lâm sinh, chia sẻ kinh nghiệm của Liên minh HTX Thừa Thiên Huế và Công ty TNHH Năng lượng xanh Đông Hà, giới thiệu về chứng chỉ chuỗi hành trình sản phẩm của Công ty tư vấn Lương và chia sẻ nhu cầu nguyên liệu có chứng chỉ của Công ty giấy quốc tế APP. Các đại biểu đã tích cực tham gia thảo luận để xác định các giải pháp thúc đẩy liên kết chủ rừng nhỏ thực hiện chứng chỉ rừng ở Việt Nam.

Toàn bộ tiến trình Hội thảo có thể được xem tại đây hoặc tại đây: https://www.youtube.com/watch?v=ELZd-oVv4IM

Video giới thiệu về Dự án có thể được xem tại đây: https://www.youtube.com/watch?v=_ECYwJoK6eU&t=12s

Một số hình ảnh hội thảo trực tuyến: