Thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa Tổng công ty Giấy Việt Nam và Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Viện Nghiên cứu Lâm sinh thực hiện nhiệm vụ tư vấn chỉnh sửa và xây dựng các quy trình kỹ thuật trồng rừng nguyên liệu giấy, gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng gỗ lớn cho Tổng công ty Giấy Việt Nam. Tổng công ty hiện có 15 Công ty lâm nghiệp thành viên quản lý hơn 20 nghìn ha rừng trồng nguyên liệu giấy các loài keo và bạch đàn, trong số đó 10 Công ty đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC. Các quy trình trồng rừng nguyên liệu giấy đang áp dụng tại Tổng công ty được ban hành từ năm 2002. Mặc dù đã được điều chỉnh nhiều lần, nhưng quy trình vẫn bộc lộ nhiều điểm bất cập so với thực tiễn và xu hướng phát triển của ngành lâm nghiệp. Năng suất rừng suy giảm dẫn đến hiệu quả trồng rừng và lợi nhuận thấp.
Sau khi rà soát các quy trình đang áp dụng của Tổng công ty, khảo sát thực địa và phỏng vấn các Công ty thành viên của Tổng công ty, Viện Nghiên cứu Lâm sinh đã xây dựng bản thảo các quy trình kỹ thuật, bao gồm quy trình trồng rừng nguyên liệu giấy, trồng rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng gỗ lớn cho các loài Keo tai tượng, Keo lai, Bạch đàn urô và Bạch đàn lai.
Hôm nay, ngày 27 tháng 7 năm 2018, tại Bãi Bằng, Phù Ninh, Phú Thọ, Tổng công ty và phối hợp với Viện tổ chức hội thảo tham vấn để góp ý cho các quy trình. Đến dự hội thảo có ông Nguyễn Việt Đức, Tổng giám đốc, ông Cao Văn Sơn, Thành viên Hội đồng thành viên, ông Mạc Mạnh Đang, Phó tổng giám đốc và đại diện lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật của Viện Nghiên cứu Cây nguyên liệu Giấy, Công ty thiết kế lâm nghiệp, và 15 Công ty trồng rừng trực thuộc Tổng công ty.
Sau khi nghe đại diện của Viện Nghiên cứu Lâm sinh trình bày tóm tắt dự thảo các quy trình kỹ thuật, toàn thể hội nghị góp ý cho các chương, điều khoản của các quy trình. Hội nghị nhận định, các quy trình có nhiều điểm đổi mới phù hợp với các điều kiện sản xuất cụ thể của các công ty và đáp ứng các yêu cầu về quản lý rừng bền vững. Các quy trình mới về trồng và chuyển hóa rừng gỗ lớn cũng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả và giá trị của rừng. Các quy trình sẽ được hoàn thiện và ban hành trong tháng 8 năm 2018 để kịp thời áp dụng cho thời vụ trồng rừng năm 2019.
Một số hình ảnh tại hội thảo:
Khảo sát hiện trường trồng rừng của Tổng công ty
Tập huấn “Quản lý sâu bệnh hại Keo tai tượng, Keo lai” tại Thanh Hóa và Yên Bái