Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở đề tài tiềm năng cấp Bộ: Nghiên cứu kỹ thuật nhân giống và trồng thử nghiệm Mít nài (Artocarpus chama Buchanan-Hamilton) cung cấp gỗ lớn ở khu vực miền núi phía Bắc

11-12-2024 Trần Anh Hải

1) Tên nhiệm vụ: Nghiên cứu kỹ thuật nhân giống và trồng thử nghiệm Mít nài (Artocarpus chama Buchanan-Hamilton) cung cấp gỗ lớn ở khu vực miền núi phía Bắc

2) Sản phẩm:

+ 20 cây mẹ được tuyển chọn tại tỉnh Lào Cai và Sơn La: cây sinh trưởng, phát triển tốt, thân thẳng, tròn đều, tán tròn đều và hẹp. Về phẩm chất cây: không sâu bệnh, có nhiều hoa qủa, chất lượng quả tốt. Theo TCVN 8755-2017;

+ 2100 cây con Mít nài: cây sinh trưởng, phát triển tốt, không sâu bệnh;

+ Mô hình: 1 ha mô hình trồng thâm canh + 1 ha mô hình trồng làm giàu rừng;

+ 01 Báo cáo đặc điểm Lâm học của loài Mít nài;

+ 01 bài báo khoa học đăng trên tạp chí chuyên ngành;

+ Hướng dẫn kỹ thuật nhân giống Mít nài;

+ Báo cáosơ kết,  tổng kết đề tài.

- Chủ nhiệm đề tài: ThS. Diệp Xuân Tuấn

- Đơn vị chủ trì: Viện Nghiên cứu Lâm sinh

- Đơn vị thực hiện: Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao kỹ thuật lâm sinh

Mục tiêu của đề tài:

- Xác định được một số đặc điểm lâm học của loài Mít nài

- Chọn được 20 cây mẹ tốt và xây dựng được hướng dẫn kỹ thuật nhân giống hữu tính Mít nài

- Bước đầu xác định được một số biện pháp kỹ thuật trồng rừng và làm giàu rừng Mít nài

Nội dung nghiên cứu của đề tài:

Nội dung 1: Nghiên cứu một số đặc điểm lâm học của loài Mít nài tại các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

- Công việc 1.1. Nghiên cứu đặc điểm phân bố, khí hậu nơi Mít nài phân bố

- Công việc 1.2. Nghiên cứu  đặc điểm cấu trúc tầng cây cao

+ Công việc 1.2.1. Mật độ và sinh trưởng của lâm phần có Mít nài phân bố

+ Công việc 1.2.2. Tổ thành loài tầng cây cao của lâm phần có Mít nài phân bố

+ Công việc 1.2.3. Vị thế tán của Mít nài

- Công việc 1.3. Nghiên cứu đặc điểm tái sinh

+ Công việc 1.3.1. Mật độ và sinh trưởng cây tái sinh

+ Công việc 1.3.2. Tổ thành loài cây tái sinh

+ Công việc 1.3.3. Phân cấp chiều cao cây tái sinh

Nội dung 2: Chọn lọc cây mẹ và nghiên cứu kỹ thuật nhân giống hữu tính loài Mít nài.

- Công việc 2.1. Tuyển chọn cây mẹ Mít nài

- Công việc 2.2. Nghiên cứu kỹ thuật nhân giống hữu tính Mít nài

+ Công việc 2.2.1. Xác định được một số đặc điểm sinh lý hạt giống Mít nài

+ Công việc 2.2.2. Ảnh hưởng của kỹ thuật xử lý hạt giống đến tỷ lệ nảy mầm hạt Mít nài

+ Công việc 2.2.3. Ảnh hưởng của chế độ che sáng đến tỷ lệ sống và sinh trưởng cây con giai đoạn vườn ươm

+ Công việc 2.2.4. Ảnh hưởng của hỗn hợp ruột bầu đến tỷ lệ sống và sinh trưởng cây con giai đoạn vườn ươm

+ Công việc 2.2.5. Xây dựng hướng dẫn kỹ thuật nhân giống hữu tính Mít nài

+ Công việc 2.2.6. Quản lý, chăm sóc cây con Mít nài giai đoạn vườn ươm

Nội dung 3: Bước đầu thử nghiệm biện pháp kỹ thuật trồng rừng và làm giàu rừng Mít nài

- Công việc 3.1. Trồng 1ha thâm canh Mít nài (0,5ha thí nghiệm bón phân và 0,5ha thí nghiệm tiêu chuẩn cây con)

- Công việc 3.2. Trồng 1ha làm giàu rừng Mít nài

Hình ảnh hoạt động điều tra nghiên cứu đặc điểm lâm học, chọn lọc cây mẹ lấy giống

Hình ảnh trồng thử nghiệm, chăm sóc, theo dõi và thu thập số liệu

Kết quả thực hiện: 

1) Về nghiên cứu một số đặc điểm lâm học của loài Mít nài tại các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc

          + Mít nài có phân bố tự nhiên trong nhiều trạng thái rừng, từ trạng thái TXG (rừng giàu), TXB (rừng trung bình) đến trạng thái TXN (rừng nghèo).

          + Về nhiệt độ: Mít nài có thể gây trồng ở những nơi có nhiệt độ trung bình năm dao động từ 21,10C đến 22,30C.

           + Về lượng mưa: Lượng mưa bình quân năm dao động từ 1075,3 đến 2702,7 mm.

          + Về độ ẩm: Độ ẩm tương đối trung bình năm đạt khoảng độ ẩm tương đối trung bình năm đạt khoảng 78,2% -84,5%.

         + Về tổng số giờ nắng: tổng số giờ nắng trung bình năm đạt từ 2249,9 đến 2399,7 giờ.

          + Địa hình: Độ cao so với mực nước biển từ 100 m đến 1200 m, có độ dốc trung bình từ 50– 250.

         + Mật độ trung bình của Mít nài phân bố ở tầng cây cao trong các trạng thái rừng tự nhiên ở các xã huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai và các xã huyện Mường Giôn, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La dao động từ 12-40 cây/ha, trong đó ở các xã huyện Mường Giôn, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La trung bình là 22,7 cây/ha, cao hơn so với các xã huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai là 18,7 cây/ha.

             + Tổ thành tầng cây cao thuộc các trạng thái rừng có Mít nài phân bố ở các khu vực nghiên cứu đã hình thành 5 nhóm ưu hợp khác nhau, trong đó trạng thái rừng TXG ở Lào Cai có 1 ưu hợp là: Kháo nhậm + Mít nài + Dẻ + Trám trắng + Cứt ngựa; trạng thái TXG ở Sơn La có 1 ưu hợp là: Dẻ + Hu đay + Vối thuốc răng cưa + Bứa + Ba soi. Trạng thái rừng TXB ở Lào Cai có 1 ưu hợp là: Sồi Quảng + Mít nài + Re gừng + Trâm + Kháo nhậm + Sung + Cơi; trạng thái TXB ở Sơn La có 1 ưu hợp là: Mít nài + Cà lồ + Phân mã + Bứa + Trẩu + Sung. Trạng thái TXN chỉ có 1 ưu hợp ở Lào Cai là: Mít nài + Cồng sữa + Dẻ + Dẻ gai Trung Quốc + Dẻ gai Yên Thế. Như vậy, trong 5 ưu hợp thực vật trong các trạng thái rừng thì có 04 ưu hợp có mặt của loài Mít nài.

           + Số lượng cá thể Mít nài ở vị thế tán cấp 4 và 5 trong các lâm phần điều tra chiếm cao nhất đạt 64,2% so với tổng số cây ở 5 cấp vị thế tán.

          + Mít nài tái sinh xuất hiện ở 5/6 điểm điều tra (ngoại trừ trạng thái TXB – Lào Cai) với mật độ cây tái sinh dao động từ 16-35 cây/ha. Cây Mít nài tái sinh có đường kính trung bình dao động từ 1,5 - 3,5 cm, chiều cao trung bình từ 1,3 - 4,2 m. Nhìn chung mật độ cây tái sinh Mít nài thấp, chỉ chiếm 0,31% – 0,76% tổng số cây tái sinh của lâm phần và có sự khác biệt giữa các trạng thái rừng điều tra.

           + Ở các điểm nghiên cứu thì lớp cây Mít nài tái sinh có chiều cao nhỏ hơn 1m, chiếm tỷ lệ cao nhất từ 75 – 89,3% (trung bình là 84,2%), số cây ở cấp chiều cao từ 1-6m chiếm từ 10,7 – 25,0% (trung bình là 15,8%).

2) Về chọn lọc cây mẹ và nghiên cứu kỹ thuật nhân giống hữu tính loài Mít nài

+ Chọn lọc cây mẹ: Đề tài để tuyển chọn được 31 cây mẹ Mít nài tại 2 tỉnh Sơn La (17 cây) và Lào Cai (14 cây);

+ Đặc điểm sinh lý hạt giống Mít nài: khối lượng/1000 hạt và số hạt/kg trung bình của Mít nài ở tỉnh Lào Cai là (đạt 585g/1.000 hạt và 2.560 hạt/kg); khối lượng/1000 hạt và số hạt/kg trung bình của tỉnh Sơn La là (đạt 592 g/1.000 hạt và 2.586 hạt/kg); độ thuần trung bình của hạt cây Mít nài tương đối cao đạt 91,3%

+ Ảnh hưởng của kỹ thuật xử lý hạt giống đến tỷ lệ nảy mầm hạt Mít nài: Công thức CTXL2 (Ngâm hạt trong nước ấm 40ºC ở nhiệt độ ban đầu) cho tỷ lệ nảy mần và thế nảy mần đạt ở mức cao nhất. Ở các công thức thí nghiệm khác thì tỷ lệ nảy mần và thế nảy mần cũng đạt ở mức cao > 85%. Điều này, chứng tỏ hạt Mít nài rất dễ xử lý, không đòi hỏi quá nhiều về điều kiện môi trường xử lý, chúng ta có thể lấy hạt ngoài tự nhiên và đem ủ hạt trực tiếp vào trong cát ẩm

+ Ảnh hưởng của chế độ che sáng đến tỷ lệ sống và sinh trưởng cây con giai đoạn vườn ươm: Công thức cho sinh trưởng cả về đường kính, chiều cao và phẩm chất cây tốt thứ nhất là công thức che sáng 50%, thứ 2 là công thức che sáng 25%, thứ 3 là công thức che sáng 75% và cuối cùng là công thức không che sáng.

+ Ảnh hưởng của hỗn hợp ruột bầu đến tỷ lệ sống và sinh trưởng cây con giai đoạn vườn ươm: Công thức cho sinh trưởng cả về đường kính, chiều cao và phẩm chất cây tốt thứ nhất là công thức CTRB4 (88% đất +10% phân hữu cơ vi sinh + 2% Phân NPK (5:10:3)), thứ 2 là công thức CTRB3 (90% đất +8% phân hữu cơ vi sinh + 2% phân NPK (5:10:3)), thứ 3 là công thức CTRB2 (92% đất  + 6% phân hữu cơ vi sinh + 2% phân NPK (5:10:3)) và cuối cùng là công thức CTRB1 (100% đất)

+ Xây dựng hướng dẫn kỹ thuật nhân giống hữu tính Mít nài: Đã xây được 01 hướng dẫn kỹ thuật nhân giống hữu tính Mít nài dự trên các kết quả nghiên cứu bước đầu của đề tài.

3) Về bước đầu thử nghiệm biện pháp kỹ thuật trồng rừng và làm giàu rừng Mít nài

- Trồng 1ha thâm canh Mít nài (0,5ha thí nghiệm bón phân và 0,5ha thí nghiệm tiêu chuẩn cây con):

+ 0,5 ha thí nghiệm bón phân: trong giai đoạn 18 tháng tuổi sau khi trồng thì đối với các công thức thí nghiệm bón phân thì công thức CT2 đang cho kết quả tốt hơn nhưng không đáng kể so với các công thức CT3 và CT1, công thức CT4 cho kết quả thấp nhất;

+ 0,5ha thí nghiệm tiêu chuẩn cây con: trong giai đoạn 18 tháng tuổi sau khi trồng thì đối với các công thức thí nghiệm tuổi cây con thì công thức CT3 đang cho kết quả tốt nhất so với các công thức CT2 và CT1.

- Trồng 1ha làm giàu rừng Mít nài.

Kết quả theo dõi bước đầu trong 18 tháng tuổi sau khi trồng cho thấy Mít nài là cây sinh trưởng và phát triển tương đối tốt dưới tán rừng trong giai đoạn đầu và là cây triển vọng trong việc phục hồi rừng tại các khu rừng có trữ lượng nghèo đến trung bình

MỘT SỐ HÌNH ẢNH HỘI ĐỒNG NGHIỆM THU CẤP CƠ SỞ: