Viện Nghiên cứu Lâm sinh xây dựng thành công mô hình nhóm chủ rừng quản lý rừng bền vững liên kết với doanh nghiệp chế biến gỗ

22-10-2024 Phạm Tiến Dũng

Sáng ngày 21/10/2024, tại Cục Lâm nghiệp đã diễn ra hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ Xây dựng mô hình quản lý rừng bền vững (QLRBV) liên kết tổ chức sản xuất theo chuỗi giữa chủ rừng với doanh nghiệp chế biến gỗ tại tỉnh Đắk Lắk, thuộc dự án: Hỗ trợ thực hiện Đề án QLRBV và Chứng chỉ rừng. Hội đồng có sự tham gia của ông Đoàn Hoài Nam, Phó cục trưởng Cục Lâm nghiệp, chủ tịch Hội đồng và đại diện các phòng có liên quan của Cục Lâm nghiệp. Về phía Viện Nghiên cứu Lâm sinh có PGS.TS. Hoàng Văn Thắng, Viện trưởng cùng các cán bộ của Bộ môn Điều tra và QLRBV.

Phát biểu tại Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ, ông Đoàn Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, chủ tịch Hội đồng đã đánh giá cao những kết quả mà viện Nghiên cứu Lâm sinh đã đạt được trong việc thực hiện nhiệm vụ này. Đồng thời đánh giá mô hình QLRBV tại huyện M’Đrắk không chỉ nhằm mục đích nâng cao năng lực, cải thiện kinh tế cho bà con trồng rừng trong phạm vi nhóm mà còn mang tính chất lan tỏa, tạo tiền đề để tỉnh Đắk Lắk xây dựng thành công nhiều mô hình QLRBV liên kết theo nhóm trong thời gian tới.

M’Đrắk là huyện miền núi của tỉnh Đắk Lắk, có nền kinh tế phụ thuộc vào trồng và khai thác rừng. Huyện M’Đrắk có thành phần dân tộc tương đối đa dạng, với các dân tộc chủ yếu như Ê Đê, H’Mông, Tày, Nùng, Kinh,…. Phần lớn các gia đình còn đang thuộc diện khó khăn, trình độ dân trí thấp nên việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong công tác trồng, chăm sóc, khai thác rừng còn hạn chế. Diện tích rừng trồng của huyện M’Đrắk chủ yếu là rừng trồng Keo lai, với chu kỳ ngắn khoảng 4-6 năm với mục tiêu sản xuất gỗ dăm. Mặc dù có điều kiện lập địa phù hợp cho trồng rừng Keo, nhưng với việc chưa áp dụng các biện pháp kỹ thuật để cải thiện, nâng cao năng suất nên đời sống của bà con vẫn còn nhiều khó khăn. Vì vậy, việc xây dựng một mô hình nhóm hộ QLRBV, liên kết với doanh nghiệp chế biến gỗ tại huyện là một mô hình mang tính lan tỏa cao, thúc đẩy quản lý rừng bền vững, hỗ trợ đời sống của người dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số.

Được sự hỗ trợ của Cục Lâm nghiệp và sự cho phép của UBND tỉnh Đắk Lắk, Viện Nghiên cứu Lâm sinh đã triển khai nhiệm vụ: Xây dựng mô hình quản lý rừng bền vững liên kết tổ chức sản xuất theo chuỗi giữa chủ rừng với doanh nghiệp chế biến gỗ tại tỉnh Đắk Lắk. Với sự hỗ trợ tích cực của các chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu Lâm sinh thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, sau một năm triển khai, huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk đã có gần 4.000 ha rừng của các hộ gia đình, cá nhân tại 3 xã Cư San, Ea Trang, Krông Á (huyện M’Đrắk) và một phần diện tích của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp M’Đrắk được cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn quốc gia VFCS/PEFC. Nhóm chủ rừng đã liên kết với Công ty TNHH Ayo Biomass để xây dựng nhóm chủ rừng quản lý rừng bền vững huyện M’Đrắk.

Mô hình liên kết chứng chỉ rừng tạo ra mối quan hệ bền vững giữa các bên tham gia, thúc đẩy phát triển bền vững trong lĩnh vực lâm nghiệp. Khi tham gia mô hình, các đối tác được hỗ trợ kỹ thuật chuyên môn, giúp người trồng rừng nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất; Tăng giá trị gỗ đạt chứng chỉ, giúp người trồng rừng tăng thu nhập, cải thiện đời sống; Phát triển chuỗi cung ứng bền vững, giúp người trồng rừng ổn định đầu ra sản phẩm, tạo thu nhập ổn định; Góp phần bảo vệ môi trường, duy trì nguồn tài nguyên rừng trong dài hạn, bảo vệ hệ sinh thái đa dạng; Nâng cao chất lượng gỗ, tạo ra sản phẩm gỗ Việt Nam chất lượng cao, cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Viện Nghiên cứu Lâm sinh và công ty TNHH AYO Biomass cũng cam kết phối hợp và hỗ trợ nhóm hộ trong quá trình duy trì, phát triển và mở rộng mô hình quản lý rừng bền vững.

Một số hình ảnh của nhiệm vụ

Hình 01. Ông Đoàn Hoài Nam, Phó cục Trưởng cục Lâm nghiệp, chủ tịch Hội đồng nghiệm thu phát biểu

Hình 02. PGS.TS. Hoàng Văn Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lâm sinh phát biểu tại Hội đồng

Hình 03. ThS. Phạm Tiến Dũng, thay mặt nhóm tư vấn trình bày kết quả thực hiện nhiệm vụ

Hình 04. TS. Vũ Thành Nam, Trưởng phòng Sử dụng rừng đánh giá cao các kết quả đạt được của nhiệm vụ

Hình 05. Đại diện đơn vị chứng nhận Vinacontrol trao chứng chỉ cho Ban đại diện nhóm chủ rừng QLRBV

Hình 06. Viện Nghiên cứu Lâm sinh và công ty TNHH AYO Biomass ký thỏa thuận hợp tác, duy trì nhóm chủ rừng QLRBV huyện M’Đrắk

Hình 07. Tập huấn nâng cao năng lực cho bà con tại xã Cư San

Hình 08. Hội nghị tham vấn các bên liên quan về phương án QLRBV của nhóm chủ rừng huyện M’Đrắk

Video về quá trình thực hiện của nhóm: https://youtu.be/aJY_R6QAAlI