Buổi gặp mặt và chia sẻ các ý tưởng hợp tác nghiên cứu khoa học với TS. Heidi Zimmer – cựu tình nguyện viên của Viện Nghiên cứu Lâm sinh

03-09-2023 Cao Chí Khiêm

TS. Heidi Zimmer trước đây là tình nguyện viên người Úc đã có thời gian làm việc tại Viện Nghiên cứu Lâm sinh từ năm 2013 – 2014, đã giúp đỡ nhiều cán bộ trẻ của Viện trong công tác nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cũng như bồi dưỡng trình độ ngoại ngữ. Sau thời gian gần 10 năm, TS. Heidi Zimmer hiện đang làm trưởng nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Đa dạng sinh học quốc gia, quay trở lại Việt Nam bên cạnh mục đích gặp gỡ các cựu đồng nghiệp tại Viện, TS. Heidi Zimmer dự kiến triển khai dự án: “Đa dạng hóa sinh kế từ cây trồng bản địa ở vùng Tây Bắc Việt Nam”.

Trong buổi gặp mặt sáng ngày 29/8/2023 tại phòng họp tầng 7 Viện Nghiên cứu Lâm sinh với sự tham dự của TS. Trần Lâm Đồng - PGĐ Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam và các cán bộ Viện Nghiên cứu Lâm sinh từng có thời gian làm việc cùng TS. Heidi Zimmer, Ban Lãnh đạo Viện đã chào mừng TS. Heidi Zimmer quay trở lại Việt Nam và giới thiệu một số công việc mà Viện đang thực hiện có liên quan tới dự án nói trên.

Đồng thời TS. Heidi Zimmer cũng đã có phát biểu vui mừng vì gặp được lại đội ngũ cán bộ nghiên cứu mà chị từng làm việc cùng, bên cạnh đó TS. Heidi Zimmer đã chia sẻ về một số nội dung công việc sắp tới mà chị dự định sẽ triển khai ở vùng Tây Bắc Việt Nam bao gồm: (i) Thu thập số liệu ở các mô hình làm giàu rừng tại Nà Bài (tỉnh Sơn La) và Nà Nội (tỉnh Điện Biên); (ii) Mở rộng nghiên cứu về nâng cao chất lượng cây giống bản địa; (iii) Thí nghiệm về cường độ ánh sáng ảnh hưởng tới sinh trưởng loài cây bản địa và (iv) Phát triển tối ưu các mô hình hệ thống nông lâm kết hợp gắn liền với cây gỗ, cây ăn quả, cây dược liệu và một số loài cây mục đích khác bên trong vùng đệm khu bảo tồn thiên nhiên Mường La. Phản hồi lại, Ban Lãnh đạo Viện cũng sẽ tạo điều kiện để TS. Heidi Zimmer có thể triển khai tốt dự án nói trên tại Việt Nam, đồng thời mong muốn có được sự hợp tác lâu dài với TS nói riêng và Trung tâm Nghiên cứu đa dạng sinh học quốc gia – Australia nói chung.