Seminar về bệnh chết héo do nấm Ceratocystis gây ra ở rừng trồng Keo

06-11-2019 Nguyễn Thị Thùy

Ngày 25-10-2019, Viện Nghiên cứu Lâm sinh đã tổ chức buổi seminar về bệnh chết héo do nấm Ceratocystis gây ra ở rừng trồng Keo. Buổi seminar diễn ra với sự chia sẻ kinh nghiệm của TS. Chris Beadle, cựu chuyên gia của tổ chức CSIRO và sự tham gia của các cán bộ nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Lâm Sinh và Trung tâm Nghiên cứu Bảo vệ rừng thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam.

Sau bài trình bày “Ceratocystis wilt and canker disease - what is the science telling us to do?”, mọi người tham gia đã thảo luận sôi nổi về bệnh Chết héo ở rừng trồng Keo ở Việt Nam. Một số thông tin có thể tóm tắt sau buổi Seminar như sau:

Bệnh Chết héo cây Keo do nấm Ceratocystis gây ra đã và đang diễn ra vô cùng nghiêm trọng ở khu vực. Ở Indonesia, bệnh này gần như đã xoá sổ hơn một triệu ha rừng trồng Keo ở nước này và khiến người dân buộc phải chuyển hướng sang trồng Bạch đàn. Dịch bệnh chết héo cũng đã gây ảnh hưởng lớn tới rừng trồng Keo tai tượng ở Malaysia. Ở Việt Nam, bệnh này đã diễn ra ở rất nhiều tỉnh thành và bắt đầu gây thiệt hại đối với người trồng rừng ở một số nơi.

Nấm certatocystis đã gây bệnh chết héo ở tất cả các loài Keo, nhưng phát triển mạnh nhất trên Keo tai tượng và Keo lai; Keo lá tràm và Keo lá liềm có tỷ lệ bị bệnh ít hơn. Ngoài ra, ở Việt Nam nấm này còn được phát hiện ở một số loài Bạch Đàn và cả nhiều loài cây bản địa như Sưa, Lát, Xà cừ, Giáng Hương…

Nấm Ceratocystis có thể lây lan qua nhiều con đường, chủ yếu xâm nhiễm vào cây qua vết thương trên cây hoặc ở gốc, rễ cây. Một số con đường gây bệnh có thể dễ thấy như:

  • Chặt, tỉa cành không đúng kỹ thuật;
  • Xới vun gốc khiến đứt rễ cây;
  • Gió bão gây gãy cành;
  • Gia súc kỳ cọ vào thân cây gây xước vỏ;
  • Các loài động vật làm xước thân cây hoặc gãy cành cây;
  • Sử dụng giống được sản xuất có chất lượng kém (có nguồn bệnh).

Một số nghiên cứu về giống và bảo vệ thực vật đã được thực hiện nhằm chọn lọc giống chống chịu bệnh cũng như chế tạo ra các loại thuốc có thể hạn chế và kiểm soát bệnh. Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu vẫn chưa có tính khả thi cao và cho tới nay chưa có biện pháp hiệu quả nào được thực hiện để ngăn chặn dịch bệnh này trên quy mô lớn.

Hơn 2 triệu ha rừng trồng ở Việt Nam chủ yếu là rừng trồng Keo. Hầu hết diện tích trồng Keo được trồng thuần loài, tập trung thành quy mô lớn, nên khả năng phát triển dịch bệnh rất cao. Rừng trồng Keo là nguồn thu nhập chính cho hàng triệu hộ gia đình nông dân nghèo trên khắp cả nước. Dịch bệnh xảy ra sẽ không chỉ làm ảnh hưởng vô cùng lớn đến đời sống của người dân mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn cung cấp gỗ cho công nghiệp chế biến gỗ đang rất phát triển ở Việt Nam. Mặc dù dịch bệnh này chưa phát triển mạnh ở Việt Nam, nhưng cần sớm có giải pháp hạn chế và đối phó với dịch bệnh, nhất là trong bối cảnh hiện nay chưa có loài cây rừng trồng nào có thể thay thế được vai trò và vị trí của các loài Keo trong trồng rừng ở Việt Nam.