Trong năm 2017, Viện nghiên cứu Lâm sinh được đầu tư một số thiết bị tiên tiến trong nghiên cứu sinh lý, sinh thái rừng như:
- Máy đo quang hợp LI-6800 của hãng Licor (Mỹ). Đây là loại máy thế hệ mới nhất và tiên tiến nhất hiện nay được thiết kế nhằm định lượng với độ chính xác cao các yếu tố của quá trình quang hợp như lượng CO2 hấp thụ và lượng nước được giải phóng ra bởi lá. Các thông số đầu ra của máy LI-6800 có thể được dùng để tính toán hầu hết các tham số liên quan đến quá trình quang hợp. Ngoài ra, với các loại chamber khác nhau, máy LI-6800 còn có thể dùng để đo hô hấp của côn trùng hoặc đo quang hợp của các loại lá kim, lá có hình dạng đặc biệt.
- Máy đo lượng nước tiềm năng trong lá (Pressure chamber PMS 615): được dùng trong các thí nghiệm liên quan đến khả năng chịu hạn của cây trồng.
- Máy đo chỉ số diện tích tán lá (plant canopy analyser, LAI-2200 TC): được dùng để đo diện tích tán lá của rất nhiều loài cây khác nhau như cây nông, lâm nghiệp. Máy được sử dụng trong các nghiên cứu liên quan đến tăng trưởng của tán lá, ảnh hưởng của côn trùng đến diện tích tán lá v.v.
- Cảm biến đo ánh sáng lượng tử (Quantum sensor LI-190R): được dùng để đo lượng ánh sáng ở bước sóng cây quang hợp được. Cảm biến này có thể được dùng để đo trong nhiều điều kiện khác nhau như nơi trống, trong nhà kính, dưới tán cây. Nó cũng được dùng để đo trong nhiều điều kiện khác nhau như ánh sáng tự nhiên, ánh sáng nhân tạo v.v.
Ngày 04-06/3/2019, Viện Nghiên cứu Lâm sinh tổ chức khoá tập huấn sử dụng máy LI-6800 cho các cán bộ nghiên cứu của Viện. Đây là khoá tập huấn đầu tiên trong chuỗi các khoá tập huấn nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu và khả năng sử dụng máy móc, thiết bị hiện đại của cán bộ trong Viện. Khoá tập huấn này nhằm một số mục tiêu chính như sau:
(1) giới thiệu một số ứng dụng của máy LI-6800;
(2) cung cấp các hiểu biết cần thiết về đặc điểm tế bào thực vật và quá trình quang hợp;
(3) hướng dẫn sử dụng máy LI-6800 để đo CO2 response curve, light response curve và survey measurement;
(4) bố trí thí nghiệm trong nghiên cứu sinh lý, sinh thái.
Nội dung của khoá tập huấn được xây dựng và hướng dẫn bởi các cán bộ có kinh nghiệm của Viện Nghiên cứu Lâm sinh với sự tham gia của hơn 20 cán bộ nghiên cứu khác trong Viện. Dưới đây là một số hình ảnh trong phần thực hành của khoá tập huấn.