Khai thác và phát triển nguồn gen giống quế Thanh Hóa (Cinnamomum cassia) có năng suất và chất lượng tinh dầu cao

Chủ trì: Lưu Cảnh Trung
Đơn vị thực hiện: Bộ môn Điều tra và Quản lý rừng bền vững
Thời gian: 01/2013 - 12/2016
Cơ quan, tổ chức tài trợ: Bộ Khoa học và Công nghệ
Lĩnh vực: Rừng trồng
Chuyên mục: Đề tài
Cấp quản lý: Đề tài cấp nhà nước
Mục tiêu

Quế thanh hoá (gọi tắt là Quế thanh) là một loài cây gỗ đa tác dụng và thường được sử dụng để chiết xuất tinh dầu. Tinh dầu Quế thanh có giá trị kinh tế cao trên thị trường nên gây trồng Quế thanh có triển vọng lớn. Tuy nhiên việc duy trì nguồn gen Quế thanh có sản lượng tinh dầu cao vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Thực tế cho thấy tài nguyên di truyền Quế thanh ngày một suy giảm, ảnh hưởng tiêu cực đến sản lượng và chất lượng tinh dầu. Nhiệm vụ “Khai thác và phát triển nguồn gen giống quế Thanh Hóa (Cinnamomum cassia) có năng suất và chất lượng tinh dầu cao” được thực hiện từ năm 2013 – 2016 với các mục tiêu: (1) xác định đặc điểm lâm học và giá trị nguồn gen của Quế thanh, (2) tuyển chọn các xuất xứ Quế thanh cho năng suất và hàm lượng tinh dầu cao, (3) xây dựng vườn giống và mô hình rừng trồng thâm canh Quế thanh, (4) xây dựng quy trình gây trồng thâm canh Quế thanh.

Nội dung

                                           

Kết quả chính

Kết quả điều tra từ số liệu năm 2015 cho thấy diện tích rừng trồng Quế toàn tỉnh Thanh Hoá là 1.229,48ha, trong đó93,37ha rừng trồng Quế thuần loài1.206,11ha rừng hỗn loài. Trong các rừng trồng, phần lớn giống Quế được mua từ nơi khác. Tổng kết đánh giá các mô hình hiện có trong vùng cho thấy Quế thanh chủ yếu được trồng quảng canh theo dự án 661, 327, tự phát hộ gia đình và trồng trong các vườn giống hữu tính. Trung bình sản lượng vỏ khô của Quế ở tuổi 5 đạt 1kg/cây, nhưng ở tuổi 15 sản lượng vỏ khô có thể gấp 10 lần và ở tuổi 18 có thể gấp 20 lần. Từ đầu những năm 2010 do giá mua Quế thấp nên người dân chặt bỏ nhiều và các diện tích đã trồng không được quan tâm chăm sóc, cộng thêm giống Quế gốc từ xa xưa chưa được bảo tồn nên hàm lượng tinh dầu ngày càng thấp. Nhìn chung, Quế thanh đang bị suy giảm nghiêm trọng về cả số lượng và chất lượng.

Việc chọn cây trội được thực hiện qua hai bước: dựa trên quan sát về về hình thái và so sánh các chỉ tiêu sinh trưởng và chất lượng của các cây trội dự tuyển. Các chỉ tiêu được sử dụng để so sánh gồm: đường kính, chiều cao, độ dầy vỏ, hàm lượng tinh dầu và tỷ lệ cinnamaldehyde. Cây trội dự tuyển được lựa chọn là những cây không bị sâu bệnh, có đường kính, chiều cao và diện tích vỏ cao hơn ít nhất 10% so với trung bình quần thể. Kết quả nghiên cứu 109 cây dự tuyển đã chọn được 40 cây trội có hàm lượng tinh dầu vượt trội hơn 10% so với trung bình quần thể. Các dòng XL01, XL16, XCM01 đều có triển vọng về năng suất và hàm lượng tinh dầu. Bên cạnh việc chọn cây trội dự tuyển, nhiệm vụ cũng xây dựng vườn giống vô tính tại Thanh Hóa với 1.400 cây ghép theo tiêu chuẩn ngành 04 TCN 147 – 2006.

Từ nguồn hạt của 40 gia đình cây trội, nhiệm vụ đã sản xuất 30.000 cây con để trồng thử nghiệm trên 10 ha mô hình thâm canh Quế tại Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên. Tiêu chuẩn cây con được trồng trong các mô hình gồm: ít nhất 12 tháng tuổi, chiều cao >25cm, đường kính cổ rễ 4 - 5mm, có ít nhất 14 - 16 lá. Sau 12 tháng, tỷ lệ sống trung bình của cây con trong các mô hình đạt 93,8%. Đồng thời nhiệm vụ đã bố trí thí nghiệm ảnh hưởng của các độ tàn che khác nhau đến sinh trưởng của cây Quế con. Kết quả theo dõi và đánh giá sinh trưởng của Quế trồng trong thí nghiệm trên cho thấy với độ tàn che 0,3 – 0,4 cho sinh trưởng tốt nhất. Các kết quả nghiên cứu trên là cơ sở để xây dựng dự thảo quy phạm kỹ thuật trồng Quế thanh theo hướng thâm canh cho khu vực Thanh Hóa.