Trồng bách bộ dưới tán rừng, mũi tên trúng nhiều đích

28-09-2024 Phùng Đình Trung

Thị trường tiêu thụ rộng

Cây bách bộ (Stemona tuberosa Lour.) hay củ ba mươi, là một loài dược liệu quý trong y học cổ truyền Việt Nam, đã được Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành trong danh mục 100 loài cây dược liệu có giá trị và kinh tế cao.

Bộ phận sử dụng chính của cây bách bộ là củ, mỗi gốc có 10 - 30 củ, có khi lên tới cả trên trăm củ. Củ bách bộ chứa nhiều hoạt chất kháng khuẩn, kháng sinh tự nhiên, được sử dụng rộng rãi để chữa các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là lao phổi, cũng như trong điều trị các rối loạn phụ khoa và các bệnh về da.

Theo các nghiên cứu, cây bách bộ hiện phân bố ở hầu hết các tỉnh nước ta nhưng tập trung nhiều nhất ở các tỉnh phía Bắc, như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Yên Bái, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Thanh Hóa.

Cây bách bộ có khả năng sinh trưởng, phát triển cả trên đất trống và dưới tán rừng tự nhiên hoặc rừng trồng, điều này mở ra tiềm năng phát triển loài cây này dưới tán rừng. Với diện tích rừng hiện tại của Việt Nam là 14,86 triệu ha (trong đó có 4,73 triệu ha là rừng trồng), loài cây này có thể giúp tăng giá trị kinh tế của rừng, cung cấp nguồn dược liệu quý và bền vững.

PGS.TS Hoàng Văn Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lâm sinh - Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đánh giá, dù có nhiều lợi ích và tiềm năng lớn, nhưng việc trồng cây bách bộ dưới tán rừng hiện đang gặp phải không ít khó khăn. Ảnh: Duy Học.

PGS.TS Hoàng Văn Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lâm sinh - Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đánh giá, dù có nhiều lợi ích và tiềm năng lớn, nhưng việc trồng cây bách bộ dưới tán rừng hiện đang gặp phải không ít khó khăn. Ảnh: Duy Học.

Nhu cầu và thị trường tiêu thụ bách bộ rất rộng lớn. Trên thế giới có hơn 50 quốc gia nhập khẩu loài dược liệu này, trong đó Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn nhất. Theo thống kê, riêng các nhà máy tại Quảng Tây (Trung Quốc) mỗi năm nhập khẩu khoảng 5.000 tấn nguyên liệu khô từ cây bách bộ. Trong khi đó, sản lượng hiện tại của Việt Nam chỉ được khoảng 500 tấn khô mỗi năm, mới đáp ứng khoảng 10% nhu cầu nguyên liệu của các nhà máy tại Quảng Tây.

Ngoài ra, nhu cầu đối với cây bách bộ hiện nay tại thị trường trong nước cũng rất lớn, lên tới hàng nghìn tấn khô/năm, cung không đủ cầu.

Chưa có quy hoạch vùng trồng

Trong giai đoạn từ tháng 1/2023 - 12/2027, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam được Bộ NN-PTNT giao thực hiện Đề tài “Nghiên cứu chọn giống và trồng thâm canh một số loài cây lâm sản ngoài gỗ có giá trị cao (cát sâm - Callerya speciosa Champ. ex Benth.; bách bộ - Stemona tuberosa Lour.) dưới tán rừng trồng ở một số tỉnh vùng núi phía Bắc”, PGS.TS Hoàng Văn Thắng là người được giao chủ trì nhiệm vụ này. Qua quá trình nghiên cứu, PGS.TS Hoàng Văn Thắng thấy rằng, dù có nhiều lợi ích và tiềm năng lớn, nhưng việc trồng cây bách bộ dưới tán rừng hiện đang gặp phải không ít khó khăn.

Một trong những thách thức đầu tiên là đến nay chưa có quy hoạch vùng trồng và phát triển cây bách bộ làm dược liệu, đặc biệt là theo tiêu chuẩn toàn cầu về thực hành tốt trồng trọt và thu hái dược liệu theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới WHO (GACP - WHO).

Trồng cây bách bộ dưới tán rừng là hướng đi triển vọng, mang lại giá trị kinh tế cao và góp phần bảo vệ tài nguyên rừng bền vững. Ảnh: Duy Học.

Trồng cây bách bộ dưới tán rừng là hướng đi triển vọng, mang lại giá trị kinh tế cao và góp phần bảo vệ tài nguyên rừng bền vững. Ảnh: Duy Học.

Bên cạnh đó, nguồn giống cây bách bộ cũng là một trở ngại lớn. Hiện nay, Việt Nam chưa có nguồn giống chất lượng cao và được công nhận để phát triển sản xuất cây giống bách bộ. Các giống bách bộ đang được sử dụng hiện tại ở một số địa phương chủ yếu là giống được nhập hạt từ Trung Quốc để gieo ươm, tạo cây giống phục vụ trồng rừng. Điều này làm giảm tính chủ động trong sản xuất và có thể ảnh hưởng đến chất lượng dược liệu thu được.

Kỹ thuật trồng cây bách bộ dưới tán rừng hiện cũng còn nhiều hạn chế. Mặc dù bách bộ đã được trồng ở một số địa phương, nhưng chủ yếu vẫn là theo phương thức thuần loài trên đất trống, đất nông nghiệp hoặc lâm nghiệp. Việc trồng bách bộ dưới tán rừng còn chưa được quan tâm đúng mức nên chưa tận dụng được tiềm năng sản xuất của đất dưới tán rừng và chưa nâng cao được giá trị gia tăng của rừng, chưa tạo ra sản phẩm ngắn ngày cho chủ rừng trong thời gian đợi khai thác từ cây gỗ dài ngày.

Một thách thức nữa là về khâu sơ chế và bảo quản sản phẩm củ bách bộ. Hiện nay, các cơ sở gây trồng, thu mua và sơ chế biến củ bách bộ còn thiếu các máy móc, thiết bị. Một số cơ sở đang thực hiện các hoạt động này nhưng chủ yếu là quy mô nhỏ, thiết bị khá đơn giản nên chất lượng sản phẩm sau chế biến chưa cao.

Giá cả và thị trường tiêu thụ cũng là một yếu tố cần được quan tâm. Hiện nay, giá của củ bách bộ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nên không ổn định, vẫn còn ở mức thấp. Mức giá thu mua củ tươi dao động từ 10.000 - 15.000 đồng/kg, tùy thời điểm và khu vực, khiến các chủ rừng chưa yên tâm về đầu ra và thu nhập mang lại khi trồng cây này.

Ngoài ra, một yếu tố nữa làm giảm tiềm năng phát triển của cây bách bộ là chính sách hỗ trợ phát triển dược liệu còn thiếu đồng bộ. Một số địa phương như Lạng Sơn, Thanh Hóa đã ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển cây dược liệu nói chung và cây bách bộ nói riêng, nhưng chủ yếu vẫn là các chính sách ngắn hạn với nguồn kinh phí hạn chế, chưa thực sự thúc đẩy người dân tham gia mạnh mẽ vào việc trồng và phát triển loài cây này trên diện rộng.

Để các chủ rừng “mặn mà” hơn

Để khai thác hết tiềm năng của việc trồng cây bách bộ dưới tán rừng, cần có những giải pháp đồng bộ, bao gồm cả quy hoạch, nghiên cứu giống, hoàn thiện kỹ thuật và chính sách hỗ trợ.

Trước hết, theo PGS.TS Hoàng Văn Thắng, cần xây dựng quy hoạch vùng trồng và phát triển cây bách bộ một cách bài bản. Các vùng sinh thái phù hợp với loài cây này cần được xác định rõ ràng và phát triển theo tiêu chuẩn GACP-WHO để đảm bảo chất lượng dược liệu đáp ứng yêu cầu quốc tế.

Về giống cây, cần có nghiên cứu để chọn tạo ra giống bách bộ có năng suất, chất lượng củ cao, phù hợp với từng vùng sinh thái cụ thể. Ngoài ra, cần có các hướng dẫn kỹ thuật cụ thể về trồng cây bách bộ dưới tán rừng. Các quy trình kỹ thuật từ khâu nhân giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch, đến sơ chế và bảo quản củ bách bộ cần được ban hành để các chủ rừng thực hiện một cách đồng bộ. Điều này không chỉ giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, mà còn giúp giảm thiểu rủi ro trong quá trình sản xuất.

Bộ phận sử dụng chính của cây bách bộ là củ, mỗi gốc có 10 - 30 củ, có khi lên tới cả trên trăm củ. Ảnh: Duy Học.

Bộ phận sử dụng chính của cây bách bộ là củ, mỗi gốc có 10 - 30 củ, có khi lên tới cả trên trăm củ. Ảnh: Duy Học.

Hơn nữa, cần hình thành các mô hình sản xuất bách bộ theo chuỗi giá trị, từ khâu tạo giống, gây trồng, thu mua và chế biến để nâng cao hiệu quả của rừng trồng bách bộ. “Đặc biệt, vấn đề thị trường tiêu thụ cũng cần phải được mở rộng và phát triển theo hướng đa dạng hóa”, PGS.TS Hoàng Văn Thắng nhấn mạnh.

Theo ông Thắng, với sự đồng lòng từ các bên, tương lai của cây bách bộ phát triển dưới tán rừng hứa hẹn sẽ mang lại những giá trị đột phá, góp phần nâng cao đời sống của người trồng rừng và bảo vệ hệ sinh thái rừng một cách hiệu quả.

Nguồn: https://nongnghiep.vn/trong-bach-bo-duoi-tan-rung-mui-ten-trung-nhieu-dich-d401083.html