Việt Nam tham dự Đại hội đồng PEFC lần thứ 22 và các sự kiện liên quan tại Phần Lan

18-11-2017 Trần Lâm Đồng

Hội đồng Chương trình Chứng chỉ rừng PEFC tổ chức tuần lễ chứng chỉ rừng PEFC tại Phần Lan từ ngày 11 đến 17 tháng 11 năm 2017, bao gồm Đại hội thường niên và các sự kiện có liên quan. Đoàn Việt Nam tham dự với các thông tin có được như sau:

Đối thoại về chứng chỉ nhóm: Hội nghị lấy kinh nghiệm của Phần Lan trong thực hiện chứng chỉ nhóm cho chủ rừng nhỏ để tham quan, học tập và trao đổi kinh nghiệm. Tổng diện tích rừng của Phần Lan khoảng 20 triệu ha, trong đó 62% quản lý bởi các chủ rừng nhỏ (hộ gia đình, cá nhân) với diện tích trung bình 30 ha/hộ, trong đó khoảng 50% số hộ có diện tích dưới 10 ha. Tổng giá trị sản xuất từ rừng của chủ rừng nhỏ khoảng 1,5 tỷ EUR/năm; bình quân khoảng 3.600 EUR/chủ rừng/năm. Khoảng 12,4 triệu ha rừng do các chủ rừng nhỏ quản lý được cấp chứng chỉ nhóm của PEFC do Hội Quản lý Rừng (KMY) là đại diện, trong đó chia thành 5 nhóm theo 5 vùng được quản lý bởi các Hội vùng. Trong mỗi Hội vùng, các thành viên bao gồm các chủ rừng, các công ty khai thác và chế biến gỗ. Mỗi Hội vùng có Hội đồng chủ tịch do đại diện các thành viên bầu lên. Chứng chỉ nhóm bao gồm cả quản lý rừng bền vững và chuỗi hành trình sản phẩm. Trong nhóm có quy định đánh giá nội bộ. Chứng chỉ được cấp có hiệu lực 3 năm.

Các quốc gia thảo luận nhóm, đề xuất mô hình chứng chỉ nhóm cho quốc gia mình và lập kế hoạch hành động. Việt Nam đang được tổ chức FFD của Phần Lan hỗ trợ xây dựng chứng chỉ nhóm cho các Liên minh Hợp tác xã hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Phú Yên. Đây là mô hình Việt Nam đề xuất làm thí điểm, theo đó Liên minh Hợp tác xã sẽ kết nối hoặc hỗ trợ thành lập Liên hiệp HTX gồm các thành viên là các Hợp tác xã có hoạt động sản xuất lâm nghiệp tham gia vào chứng chỉ nhóm. Kế hoạch hành động tập trung vào xây dựng nhóm, đánh giá rủi ro, nâng cao nâng lực và tuyên truyền.

Họp các thành viên PEFC: Hơn 150 đại biểu của các quốc gia thành viên và các quốc gia đang xây dựng hệ thống tham gia xây dựng mục tiêu chiến lược của PEFC đến 2022. Các mục tiêu lớn được đặt ra là tăng cường quảng bá nhận diện thương hiệu của PEFC trên thị trường; tạo thị trường cho các sản phẩm được cấp chứng chỉ PEFC ở nội địa, khu vực và trên thế giới; phát triển các giá trị gia tăng về đa dạng sinh học, môi trường sinh thái, năng suất và sinh kế…; thúc đẩy chứng chỉ nhóm cho chủ rừng nhỏ.

Các hoạt động của PEFC trong năm 2017 tại các khu vực Mỹ La tinh, Châu Phi và Châu Á cũng được cập nhật. Khu vực Châu Á được quan tâm đến các vấn đề chứng chỉ đảm bảo nguồn gốc (Controlled Sources), chứng chỉ nhóm đối với chủ rừng nhỏ, kết nối ngành sản xuất gỗ cao su với các hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia, kết nối các hệ thống quốc gia với FLEGT, REDD và các sáng kiến khu vực khác. Các hoạt động liên quan đến thị trường, quảng bá, kỹ thuật… cũng được cập nhật. PEFC cũng đang xem xét một số điều chỉnh nhỏ trong quy trình xây dựng các bộ tiêu chuẩn FM và CoC, và một số nội dung nhỏ của bộ tiêu chuẩn FM, CoC và chứng chỉ nhóm.

Các quốc gia đang xây dựng hệ thống chứnừnghỉ rừng được tổ họp để chia sẻ về mục tiêu và tiến trình xây dựng hệ thống của mình. Sau đó, các đại biểu được chia thành các nhóm quan tâm theo các chủ đề khác nhau như quy trình xây dựng hệ thống, xây dựng các tiêu chuẩn, chứng nhận tổ chức cấp chứng chỉ (CB), chứng chỉ nhóm, thị trường… để hỏi và được trả lời các vấn đề mình quan tâm.

Họp Đại hội đồng PEFC lần thứ 22: Các nội dung họp Đại hội đồng PEFC bao gồm tổng kết các kết quả hoạt động năm 2017, báo cáo tài chính, trao chứng nhận thành viên mới cho 3 quốc gia và 2 công ty, chứng nhận hệ thống và chứng nhận lại cho 3 quốc gia. Đại hội cũng tổ chức trao giải thưởng cho các quốc gia cấp chứng chỉ rừng và CoC nhiều nhất, các cá nhân có đóng góp tích cực và ảnh đoạt giải thưởng của cuộc thi ảnh PEFC. Đại hội đồng bầu 4 thành viên mới và Ban chỉ định (notification).

Đại hội mời 5 quốc gia đang xây dựng hệ thống quốc gia, chưa phải là thành viên, phát biểu tại Đại hội. Đại diện của Việt Nam đã cung cấp các thông tin về xây dựng Hệ thống Chứng chỉ rừng Việt Nam, bao gồm việc trình Chính phủ chủ trương xây dựng hệ thống, dự thảo các bộ tiêu chuẩn FM và CoC, xây dựng hướng dẫn chứng chỉ nhóm, kết nối với FLEGT, đồng thời tích cực nâng cao năng lực QLRBV và chứng chỉ rừng cho các bên liên quan và mong muốn đủ điều kiện để trở thành thành viên PEFC vào năm 2018. Các thông tin Quốc hội đã thông qua Luật Lâm nghiệp trong đó bổ sung Điều luật về QLRBV và Bộ Nông nghiệp và PTNT triển khai Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững 2017 – 2020 cũng được cung cấp tới Đại hội.

Họp Đại hội đồng PEFC lần thứ 22

 

Đối thoại các bên liên quan: Đối thoại năm nay với chủ đề Xây dựng chứng chỉ SMART hay ứng dụng công nghệ trong QLRBV, chứng chỉ rừng và chuỗi hành trình sản phẩm. Hội nghị có sự tham gia của hơn 150 đại biểu quan tâm đến quản lý rừng bền vững, các nhà cung cấp công nghệ và sáng chế trình bày và trao đổi kinh nghiệm ứng dụng công nghệ trong quản lý rừng như viễn thám, thiết bị di động, máy móc trong quản lý rừng, các phần mềm ứng dụng xử lý, lưu trữ dữ liệu để truy xuất nguồn gốc chuỗi hành trình sản phẩm và thị trường.

Hội nghị thường niên của PEFC là một hội nghị quan trọng cập nhật các thông tin hoạt động, chia sẻ kinh nghiệm và xây dựng phương hướng hoạt động. Đây là cơ hội tốt cho các quốc gia đang xây dựng hệ thống tham dự để học hỏi kinh nghiệm và chuẩn bị cho việc xây dựng Hệ thống phù hợp. Việt Nam là quốc gia được đề cập rất nhiều trong các sự kiện quan trọng của PEFC liên quan đến sự phát triển mạnh mẽ của ngành lâm nghiệp quốc gia, bao gồm cả phát triển rừng, sản xuất và xuất khẩu sản phẩm từ gỗ. Các chuyên gia PEFC nhận định các vấn đề liên quan đến chứng chỉ PEFC mà Việt Nam cần quan tâm là chứng chỉ nhóm cho chủ rừng nhỏ, liên kết với ngành sản xuất gỗ cao su và kết nối với FLEGT để đảm bảo hệ thống được nhận diện bởi FLEGT.

Thăm rừng được cấp chứng chỉ nhóm PEFC tại Phần Lan

 

Giới thiệu quản lý rừng được cấp chứng chỉ nhóm PEFC tại Phần Lan

 

Thăm quan sử dụng công nghệ trong tỉa thưa rừng tại Phần Lan

https://youtu.be/TknvVtuTuDE